Trong chuyến khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch
cộng đồng, nông nghiệp nông thôn của những nông dân Đồng Nai tại tỉnh Trà Vinh
mới đây, nhiều ý tưởng, bài học về làm du lịch cộng đồng đã được gợi mở.
Đây là chuyến khảo sát
đầu tiên trong năm 2023 theo kế hoạch được Sở VH-TTDL tổ chức đưa nông dân đi
tham khảo, chia sẻ những kinh nghiệm về giao tiếp, xây dựng sản phẩm du lịch
cộng đồng, nông nghiệp nông thôn.
* Kết
nối những ý tưởng
Là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện
chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Đồng Nai đang có những vùng quê đẹp,
thu hút được khách du lịch. Điển hình là một số địa phương như: Long Khách,
Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú… có các vườn trái cây, nhiều món ăn đa dạng và phong
phú cùng với các làng nghề truyền thống, tạo cơ hội cho Đồng Nai vươn lên, bứt
phá về du lịch.
Không bỏ lỡ những tiềm năng, nhiều nhà vườn
đã bắt tay vào làm du lịch và tạo được thương hiệu riêng. Điển hình là Tổ hợp
tác phát triển du lịch xã Bình Lộc (TP.Long Khánh), một số điểm tham quan vườn
hoa, vườn cây ăn trái tại các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán… Tuy nhiên,
đến nay những điểm du lịch vẫn chưa có sự liên kết, thiếu chuyên nghiệp.
Ông Lâm Phi Hùng, Tổ
trưởng Tổ hợp tác du lịch tham quan vườn Bình Lộc (TP.Long Khánh) cho biết, vào
mùa trái cây, Bình Lộc nhộn nhịp khách du lịch đến tham quan vì đây là điểm đến
nổi tiếng khoảng vài năm gần đây, tiềm lực du lịch của nông thôn hiện nay rất
lớn. Tuy nhiên, theo ông Hùng, để nông dân khai thác du lịch, không chỉ mùa
trái cây mà phải quanh năm nên rất cần những ý tưởng mới, không trùng lặp để
khai thác tại địa phương mình. Qua chuyến khảo sát, ông Hùng nhận thấy còn
nhiều vấn đề phải học hỏi, bổ sung kiến thức trong quá trình làm du lịch.
Ông Trương Đình Khánh, đại diện HTX Dịch vụ
du lịch thanh niên Hàng Gòn (TP.Long Khánh) cho hay: “Những kiến thức, kinh
nghiệm cũng như sự sáng tạo của nông dân Trà Vinh trong bày trí món ăn, cách
đón tiếp khách cũng như những ý tưởng mới về làm du lịch trong chuyến học tập
đã giúp tôi có thêm động lực để triển khai sản phẩm du lịch đã được ấp ủ từ
lâu”.
* Tạo
động lực phát triển du lịch cộng đồng
Là người khai sinh ra sản phẩm du lịch cộng
đồng cho tỉnh Trà Vinh, TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển
kinh tế và du lịch cho biết: “Trong quá trình làm du lịch, đặc biệt là xây dựng
các điểm đến tại nhà các hộ dân, tuy không tốn kém tài chính nhiều nhưng phải
có sự đào tạo, xây dựng chuỗi sản phẩm hợp lý để khai thác du lịch hiệu quả.
Các hộ dân đều được đào tạo các kỹ năng làm du lịch, xây dựng thành chuỗi sản
phẩm du lịch chuyên nghiệp, bài bản”.
Cũng theo TS Tạ Duy Linh, Đồng Nai là vùng
đất năng động với rất nhiều tiềm năng phát triển, trong đó có mảng du lịch sinh
thái vườn. Nông dân làm du lịch tự phát sẽ không có sự bền vững. Do đó, cần có
sự kết nối, học tập, nhất là chương trình cộng đồng trong quá trình làm du
lịch, cần xác định mình đang ở đâu, cần làm gì. Đồng Nai đang có tiềm năng lớn,
lợi thế cạnh tranh nên cần học tập, trau dồi kỹ năng, văn hóa ứng xử, hiểu các
nhu cầu của du khách để đem đến cho họ các dịch vụ, sự trải nghiệm tốt nhất.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan nhấn
mạnh, qua các hoạt động trong 2 ngày khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch
tại Trà Vinh cho thấy, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh được tiếp cận các
mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng để học hỏi và phát huy tính sáng
tạo. Đồng Nai mong muốn sản phẩm du lịch xây dựng mối quan hệ, tạo sự liên kết,
hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong thời gian tới. Đoàn khảo
sát sẽ nghiên cứu, tìm hiểu về việc triển khai, xây dựng mô hình du lịch cộng
đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Trà Vinh, sự đa dạng sản phẩm
dịch vụ và cách vận hành hoạt động kinh doanh du lịch của các hộ dân. Đồng
thời, tìm hiểu chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tại Trà Vinh, kinh nghiệm
kết nối các hộ dân xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch và các nội dung liên
quan về bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh, tiết kiệm năng lượng, an
ninh, an toàn cho khách du lịch.
Nguồn:
Báo Đồng Nai