Tuy nhiên, bên cạnh những nét đặc sắc của một
vùng trái cây trù phú, cùng với hệ thống hạ tầng nông thôn đạt chất lượng tốt,
TP.Long Khánh vẫn đang tìm hướng khắc phục một số nhược điểm, phát huy tối đa
ưu điểm và xây dựng kịch bản phát triển du lịch địa phương một cách bền vững.
* “Điểm trừ” ở làng du lịch sinh
thái vườn
Xã
Bình Lộc là địa bàn có vườn trái cây lớn và phát triển du lịch sớm nhất của thành phố Long Khánh từ khoảng 5 năm nay. Tuy nhiên, theo một số khách du lịch, bên
cạnh những ấn tượng tốt đẹp về trái cây, tại một số điểm vườn đã bắt xầu xuất
hiện “điểm trừ” không đáng có, gây phiền hà du khách.
Bà
Trần Thị Ái Vân (ngụ P.Bửu Long, TP. Biên Hòa) cho biết, vì là người đam mê
khám phá du lịch vườn nên vào các mùa trái cây, bà Vân thường về Bình Lộc vào
những dịp cuối tuần. Mùa trái cây năm nay, bà Vân cùng vài người bạn đến vườn
trái cây vào thời điểm gần cuối tháng 6. Bà mua vé của một nhà vườn với giá 150
ngàn đồng/người để đi tham quan vườn chôm chôm, măng cụt và ổi. Tuy nhiên, bà Vân
khá thất vọng vì thái độ của một số chủ vườn không niềm nở, thậm chí có chủ
vườn còn đi theo để nhắc nhở… không được hái trái.
Không
bị ngăn hái trái, nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Thu (ngụ TT. Long Thành, H.Long
Thành) được dẫn đến vườn trái cây đã hết trái. Theo bà Thu, sau khi mua vé
tham quan, khách du lịch được phục vụ đi lại các vườn bằng xe ba gác máy có mái
che khá ấn tượng. Tuy nhiên, khi đến một vườn măng cụt, cả vườn chỉ lác đác vài
trái, nhưng chưa chín. Sau vài phút quan sát vườn cây thấy thất vọng, nhóm
bạn của bà Thu nhanh chóng rời khỏi vườn để đi điểm khác trong thái độ không
hài lòng về cách kinh doanh này. Bà Thu chia sẻ, khách bị thu hút đến vườn
trái cây ở đây là vì muốn được tận tay hái trái, thưởng thức tại vườn. So với
giá trái cây vào mùa chín rộ thì giá vé 150 ngàn đồng là cao, bản thân mỗi
người khách chủ yếu muốn tham quan, chụp ảnh và ăn vài trái không đáng kể.
Khách muốn mang trái cây về thì giá bán đã tính riêng. Bà Thu cho hay: “Các
nhà vườn phải rõ ràng từ đầu với du khách về tình trạng các vườn cây như thế
nào, không nên để khách đã mua vé nhưng khi đến các vườn lại gặp thái độ đón
tiếp không niềm nở, vườn cây không có trái hoặc không cho khách hái trái. Rút
kinh nghiệm, năm sau tôi sẽ hỏi rõ các thông tin trước khi đến”.
* Để du lịch phát triển bền vững
Vào
mùa cao điểm du lịch vườn, thành phố Long Khánh có thể đón hàng ngàn du khách đến các
vườn trái cây. Tuy nhiên, khách tham quan vườn chỉ hái hoặc chụp hình với trái
cây ở tầng cây thấp gần mặt đất, khu vực trên cao các nhà vườn vẫn phải thu
hoạch để bán cho các vựa thu gom. Phần lớn khách đến tham quan, trải nghiệm
vườn trái cây đều được mãn nhãn với các vườn cây ăn trái bạt ngàn, ấn tượng
nhất là những vườn cây chôm chôm chín đỏ rực khiến cho các du khách mất hàng
giờ để chụp hình check in…
Anh
Trần Quang Tuấn (ngụ Q.12, TP.HCM) chia sẻ, bản thân anh đi vườn trái cây chưa
từng bị ngăn cản việc hái trái. Tuy nhiên, từ bạn bè và đã có một số thông tin
được đưa lên mạng nên anh Tuấn cho rằng, các nhà vườn nên có sự thay đổi để giữ
chân khách du lịch.
Chia sẻ về những “điểm trừ” xuất hiện gần đây tại một số vườn trái cây, TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch cho biết, không chỉ các nhà vườn ở Long Khánh, trong quá trình tư vấn tạo ra các sản phẩm du lịch, cải thiện đời sống cho người dân ở một số nơi khác, tôi cũng thấy đã xuất hiện những sự thay đổi thiếu tích cực từ nông dân.
Theo TS Tạ Duy Linh, để du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, ngoài việc hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, bản thân người nông dân cần hiểu rõ những mặt được và mất khi mình không làm khách hàng hài lòng. Người dân cần giữ sự chân chất, sự niềm nở để tạo cho khách có cảm giác đến vườn giống như được trở về nhà; khách du lịch được thoải mái tự do trong vườn nhà. Đó mới là cái cốt để níu chân du khách những năm sau.
Nguồn: Ngọc Liên - https://baodongnai.com.vn