(ĐCSVN) - Người dân cần xác định, du lịch cộng đồng là
sinh kế cộng thêm. Như vậy, dù khai thác du lịch tốt dựa trên những giá trị sản
xuất nông nghiệp thì người dân vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp,
bởi đó vẫn là nguồn lực kinh tế chính cho các gia đình.
Là một trong những đơn vị triển khai thành công và tư
vấn cho nhiều địa phương trong cả nước các dự án du lịch cộng đồng, điển hình
là 2 dự án Du lịch cồng đồng Cồn Hô và du lịch cộng đồng Cồn Chim (tỉnh Trà
Vinh), du lịch tự thân ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh), TS
Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch cho
rằng: Việt Nam có một hệ tài nguyên phong phú để khai thác du lịch cộng đồng.
Ngoài những tài nguyên về tự nhiên, văn hóa chính là nguồn tài nguyên quý giá
để khai thác, phát triển du lịch.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và
Du lịch TP Hồ Chí Minh: Sau dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều kế hoạch,
chiến lược phát triển các loại hình du lịch, trong đó du lịch cộng đồng được
khẳng định là hình thái du lịch độc đáo có nhiều dư địa phát triển dựa trên
những giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng tổ chức, cộng đồng khai thác
và cộng đồng hưởng lợi.
Những mô hình du lịch cộng đồng được hình thành và khai
thác hiệu quả tại nhiều địa phương trong thời gian qua đã góp phần nâng cao
chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, đồng thời quảng bá hình ảnh đẹp
về đất nước, con người Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Cũng theo TS Tạ Duy Linh, thực tế, tại các tỉnh, thành
phía Bắc, du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển từ sớm, gắn với các
cộng đồng dân tộc thiểu số, sau đó du lịch cộng đồng được lan tỏa và phát triển
ngày càng rộng rãi ở các tỉnh miền Trung và Nam bộ.
Hiện nay phần lớn mô hình du lịch cộng đồng phát triển
tại những vùng nông thôn, bởi, vùng nông thôn Việt Nam hiện đang có sự thay da
đổi thịt mỗi ngày từ những hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới
mang lại. Đây là chất xúc tác quan trọng để tạo nên diện mạo của hoạt động du
lịch cộng đồng. Ngoài ra, vùng nông thôn còn là nơi lưu giữ các giá trị độc đáo
về sắc thái cảnh quan nông nghiệp, ký ức hoài niệm, mạng lưới cố kết tộc người.
Do đó, các hoạt động du lịch cộng đồng tại vùng nông thôn thường có tính hấp
dẫn, chất chứa các không gian văn hóa cộng đồng đặc sắc.
Thế mạnh của du lịch cộng đồng là khai thác những giá
trị văn hóa hàng ngày của mỗi hộ gia đình trong cộng đồng mà du khách phương xa
khi đến tham quan sẽ có cơ hội tìm hiểu về phong tục tập quán, con người, ẩm
thực của địa phương mà chúng ta thường gọi chung là những giá trị văn hóa của
địa phương. Do đó, rất cần sự chân thật, tạo được cảm xúc và tránh mang tính
chất trình diễn, dễ gây phản cảm cho du khách.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo TS Tạ Duy Linh, hiện nay
phần lớn phát triển theo kiểu tự phát, thiếu vắng những thiết chế cơ bản theo
quy định của pháp luật. Ví dụ, điểm du lịch cộng đồng ban đầu được hình thành
có 10 hộ gia đình tham gia. Khi thấy sản phẩm thu hút du khách, nhiều hộ nằm
ngoài danh sách ban đầu đã tự mở điểm đến mà không chủ động kết nối với các
điểm sẵn có, do thiếu những kỹ năng ứng xử, phục vụ khách du lịch… nên khi phát
sinh vấn đề sẽ dễ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh chung của chuỗi sản phẩm…
Để duy trì, tạo thêm những giá trị cho sản phẩm du lịch
cộng đồng ngày càng phong phú, có chiều sâu, thu hút du khách, TS Tạ Duy Linh
cho rằng: Mỗi một địa phương khi phát triển mô hình du lịch này, đòi hỏi mỗi hộ
gia đình tạo những câu chuyện riêng, dựa trên những lợi ích chung của cộng
đồng. Chẳng hạn như dự án du lịch cộng đồng Viện đang thực hiện ở Long
Khánh, Đồng Nai, việc xây dựng những câu chuyện riêng tại mỗi điểm đến cần có
sự tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn để tránh sự trùng lắp, nhằm tạo sự khác biệt và
níu chân du khách ở lại lâu hơn.
Ngoài câu chuyện về thế mạnh, du lịch cộng đồng cần
khai thác thêm những giá trị văn hóa trong đời sống hàng ngày của mỗi hộ gia
đình tại địa phương đó. Để làm được điều này, người dân cần có sự hướng dẫn,
thay đổi tư duy trong làm du lịch.../.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/